Phân tích Vào đời

Âm hưởng chủ đạo của Vào đời là "ca ngợi và khẳng định sự chiến thắng, vươn lên của con người trước mọi hoàn cảnh", gắn liền với "thái độ phê phán những khía cạnh tiêu cực của hiện thực xã hội".[12][16][17] Trong tiểu thuyết này, tác giả đã gợi lên không khí thi đua sản xuất và tình cảm hữu ái giữa người và người với nhau, sự hỗ trợ của các nhân vật dành cho Sen trên bước đường vào đời.[16] Điều này được thể hiện qua các không gian đại cảnh chi phối toàn bộ tác phẩm như trong công trường nhà máy, nhà máy và những đại hội thi đua...[18] Theo nhà văn Tô Hoài, khi viết cuốn tiểu thuyết này, Hà Minh Tuân đã chịu ảnh hưởng lớn từ một số tiểu thuyết Ba Lan mà tiêu biểu là Mùa gặt.[19] Chính tác giả tiếu thuyết cho biết những câu chuyện ông khắc họa đều xuất phát từ hoàn cảnh có thực và không hư cấu;[1] tất cả được thu thập từ một chuyến đi thực tế đến nhà máy cơ khí Trung quy mô. Ông đã được cấp chiếc thẻ ra vào, một chiếc giường con và bàn viết.[7][20]

Ở mặt tiêu cực của Vào đời, Hà Minh Tuân không né tránh khi "thể hiện bộ mặt xã hội và tương quan giai cấp trong một thời kỳ lịch sử".[2][12] Ông đặt trọng tâm câu chuyện vào Sen – như là đại diện cho cả một thế hệ thanh niên "đang sa lầy". Nhà văn đã dựng lên hai tuyến nhân vật tốt và xấu trong truyện: một bên là những mối quan hệ yêu thương đùm bọc nhau, còn một bên là tầng lớp lãnh đạo quan liêu trong xưởng cơ khí, những cảnh ngộ lầm than bởi xã hội thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa. Trong đó, vấn đề quan liêu và chống quan liêu đã được đặt làm vấn đề "then chốt" xuyên suốt nội dung tiểu thuyết. Dưới ngòi bút của Hà Minh Tuân, bầu không khí "ảm đạm" của Hà Nội cũng được đặc tả rõ nét qua những đoạn viết miêu tả tình hình sinh hoạt người dân thành phố.[2] Trong tác phẩm này, ông đã tập trung khắc họa các nhân vật phản diện, vốn là điều bị hạn chế trong văn học Việt Nam thập niên 1960–70.[21]

Có những chi tiết tiêu cực được Hà Minh Tuân miêu tả trong truyện đã khiến ông vướng phải tranh cãi.[22] Chi tiết đầu tiên là việc đề cập tới sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất, với việc dẫn ra tình tiết bố của nhân vật Hiếu là một bộ đội phục viên nhưng bị quy sai thành phần địa chủ mà uất ức thắt cổ tự tử, từ đó gây nên những diễn biến trong con người nhân vật này khi "không đủ sáng suốt và bình tĩnh để lý sự rạch ròi về những chuyện sai lầm đã xảy ra trong cải cách ruộng đất".[23] Nhà văn cũng nhắc đến vấn nạn hiếp dâm ở mức độ "khá nghiêm trọng" tại Việt Nam những năm thế kỷ 20, khi đặt ra tình tiết nhân vật chính Sen vì bị cưỡng bức bởi hai công nhân mà có bầu.[11] Hay chi tiết lãnh đạo đuổi việc công nhân, bắt giam công nhân và đánh đập; công nhân biểu tình đòi bắt "bỏ rọ" chủ nhà máy hoặc chi tiết nhân vật phản diện giả làm trung tá, đại tá đi tống tiền, lừa tình[24] cũng được cho là nguyên do gây "nhiễu" những cái được của tiểu thuyết. Với lối tư duy nhị nguyên của đại đa số người dân thời điểm đó, trong bối cảnh xã hội đó, Vào đời vì vậy sớm trở thành tâm điểm của những phê bình lúc ra đời.[11][16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vào đời http://vanviet.info/tu-lieu/cc-tai-nan-van-chuong-... https://books.google.com.vn/books?id=z39kAAAAMAAJ https://nongnghiep.vn/nha-van-xuan-ba-chuyen-nha-4... http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c374/n25637/... http://baovannghe.com.vn/danh-sach-tac-pham-cong-t... https://vanviet.info/tu-lieu/cc-tai-nan-van-chuong... https://hosovanhoc.wordpress.com/category/ha-minh-... https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/Reader... https://www.voatiengviet.com/a/lo-hong-da-67-nam/1... https://books.google.com.vn/books?id=AxdIAAAAMAAJ